Những chiến công khác Khế Bật Hà Lực

Năm Trinh Quan thứ 14 (640), được làm Thông Sơn đạo phó đại tổng quản, tham gia trấn áp Cao Xương [1][2].

Năm thứ 22 (648), được làm Côn Khâu đạo tổng quản, tham gia bình định Quy Tư [16], bắt được Quy Tư vương Ha Lê Bố Thất Tất cùng bọn thủ lĩnh [1][2][8].

Năm Vĩnh Huy thứ 2 (651), Tây Đột Quyết Sa Bát La khả hãn A Sử Na Hạ Lỗ cùng 5 họ Xử Nguyệt, Xử Mật, Cô Tô, Ca La Lộc, Ti Thất xâm phạm Duyên Châu, chiếm Kim Lĩnh, cướp Bồ Toại, triều đình hạ chiếu lấy Hà Lực, Tả vũ vệ đại tướng quân Lương Kiến Phương làm Cung Nguyệt đạo đại tổng quản, Hữu kiêu vệ tướng quân Cao Đức Dật, Hữu vũ vệ tướng quân Tiết Cô Ngô Nhân làm phó, thống lãnh quân đội các phủ Tần, Thành, Kỳ, Ung cùng 5 vạn kỵ binh Hồi Hột của Yên Nhiên đô hộ phủ tham gia trấn áp. Tháng 12 ÂL, Xử Nguyệt tù trưởng Chu Da Cô Chú giết chết Chiêu úy sứ, Quả nghị đô úy Đan Đạo Huệ, liên kết với Sa Bát La khả hãn, chiếm cứ Lao Sơn cố thủ. Tháng giêng ÂL năm sau (652), bọn Hà Lực chia đường trèo lên núi, đại phá quân Xử Nguyệt; Cô Chú bỏ chạy, Cao Đức Dật đuổi nà hơn 500 dặm, bắt và giết Cô Chú, quân Đường bắt sống 60 thủ lĩnh, chém 9000 thủ cấp (thuyết khác là hơn 1 vạn), giành được 7 vạn thớt bò ngựa. Bọn Hà Lực thừa thắng đánh bại bộ lạc Xử Mật, bắt thủ lĩnh là bọn Thì Kiện Sĩ Cân, Hợp Chi Hạ đem về [1][2][17].

Năm Long Sóc đầu tiên (661), cháu trai của Dược La Cát Bà NhuậnDược La Cát Bỉ Túc Đồ (hoặc Bỉ Lật) thay Bà Nhuận làm thủ lĩnh bộ lạc Hồi Hột, cầm đầu các bộ lạc Đồng La, Bộc Cố xâm phạm biên thùy, quân Đường trấn áp, Bỉ Túc Đồ thua chạy về Hãn Hải đô đốc phủ. Triều đình lấy Hà Lực làm Thiết Lặc đạo an phủ đại sứ, Tả vệ tướng quân Khương Khác làm phó, nhận lệnh vỗ về 9 họ Thiết Lặc. Hà Lực đem 500 kỵ binh tinh nhuệ xông thẳng vào khu vực của 9 họ Thiết Lặc, khiến mọi người kinh sợ; ông tuyên bố chỉ làm tội những thủ lĩnh, nên dân chúng vui mừng, bắt giữ các Diệp hộ, Thác thiết, Đặc cần trở xuống hơn 200 người đã hưởng ứng Bỉ Túc Đồ, giao nộp cho quân Đường. Hà Lực kể mấy tội mà đem chém cả, 9 họ Thiết Lặc lại quy phục nhà Đường [1][2][9].

Sau khi Thổ Phồn tiêu diệt Thổ Dục Hồn (670) thì ngày càng cường thịnh, đến tháng 3 nhuận năm Nghi Phượng đầu tiên (676) vào cướp bóc các châu Thiện, Khuếch, Hà, Phương. Triều đình lấy Chu vương Lý Hiển, Tương vương Lý Luân (sau là Lý Đán) làm tướng, chia đường trấn áp; lấy Hà Lực ở dưới quyền Lý Luân. Hai vương không cầm quân [1][2][18]; đến năm thứ 2 (677), Hà Lực cũng bệnh mất, được tặng Phụ quốc đại tướng quân, Tịnh Châu đại đô đốc, bồi táng Chiêu lăng, thụy là Liệt [2] hoặc Nghị [1].